Hình thành Lực_lượng_Không_quân_Hải_quân,_Quân_đội_nhân_dân_Việt_Nam

Tuy Quân chủng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được thành lập từ năm 1955 sau khi kết thúc Chiến tranh Đông Dương, nhưng do tình hình và điều kiện lúc đó đặc biệt là Chiến tranh Việt Nam nổ ra, Không quân-Hải quân Hoa Kỳ liên tục tổ chức đánh phá miền bắc Việt Nam nên Hải quân lúc đó chưa có lực lượng không quân riêng.

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Hải quân Nhân dân Việt Nam từng bước chính quy hóa, thành lập thêm nhiều lực lượng và binh chủng mới theo mô hình của Hải quân Liên Xô trong đó có cả lực lượng không lực hải quân. Ngày 24 tháng 7 năm 1986, Tư lệnh Hải quân ra quyết định số 1253/B0-31 về việc thành lập Phòng Phòng không-Không quân trên cơ sở sáp nhập Phòng Phòng không Hải quân và Phòng Không quân Hải quân.

Sau khi hình thành, các chiến sĩ hải quân Việt Nam được lựa chọn để sang Liên Xô huấn luyện sử dụng khí tài mới của Binh chủng. Nửa sau những năm 1980, Không quân Hải quân Việt Nam nhận được 12 trực thăng săn ngầm Kamov Ka-25 của Liên Xô.

Cũng vào thời điểm nửa sau những năm 1980, Không quân Hải quân Việt Nam lại tiếp tục nhận được 4 thủy phi cơ săn ngầm Beriev Be-12. Phi đội Be-12 cùng Sukhoi Su-22 của Không quân Nhân dân Việt Nam thường tổ chức tuần tra Quần đảo Trường Sa.

Sau này, Việt Nam lại nhận được các trực thăng chống ngầm đời mới Kamov Ka-27PL từ Liên Xô. Sau năm 1991, Liên Xô tan rã, Việt Nam không còn được viện trợ nhưng vẫn tiếp tục nhận được các trực thăng chống ngầm Kamov Ka-28 hiện đại thông qua mua từ phía Nga. Hiện nay Kamov Ka-28 là vũ khí săn ngầm chủ lực của Lực lượng Không quân Hải quân. Ngoài ra, Việt Nam còn mua 10 trực thăng Kamov Ka-32T thiết kế tương tự Ka-25/28 nhưng là dành cho mục đích vận tải và cứu hộ.[1]

Sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã rút lệnh cấm xuất khẩu trực thăng quân sự cho Việt Nam qua sự vận động lâu dài của tập đoàn Executive Decision Export Services Group thì Bộ Quốc phòng Việt Nam đã mua nhiều máy bay trực thăng hoạt động trên biển của hãng Eurocopter (Pháp) nhằm trang bị cho Binh chủng. Năm 2011, Hải quân Việt Nam vừa tiếp nhận một phi đội trực thăng vận tải-trinh sát biển Eurocopter EC225 Super Puma biên chế cho Quân chủng.

Ngày 17 tháng 8 năm 2012, Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án hạ tầng Trung đoàn Không quân - Hải quân tại Sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.[2]

Năm 2010 Bộ Quốc phòng Việt Nam đặt mua 6 máy bay tuần tra biển DHC-6 Twin Otter của Canada. Quân chủng Hải quân đã quyết định cử 12 phi công máy bay DHC-6 sang đào tạo tại Canada trong thời gian 17 tháng, nhằm tăng cường khả năng tuần tra trên biển.[3]

Ngày 3 tháng 7, tại Sư đoàn Không quân 372 (Đoàn Hải Vân), Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ bàn giao Lữ đoàn Không quân 954 (trước gọi là Trung đoàn Trực thăng 954) từ Quân chủng Phòng không-Không quân về Quân chủng Hải quân và công bố quyết định thành lập Trung đoàn Trực thăng 930 đóng tại Sân bay Đà Nẵng, trực thuộc Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Trung đoàn 930 được thành lập nhằm thay thế cho Đoàn 954 chuyển cho Hải quân Nhân dân. Trung đoàn có nhiệm vụ bay quan sát; trinh sát chỉ thị mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước; làm nhiệm vụ vận tải quân sự khu vực miền Trung – Tây Nguyên và Nam Vịnh Bắc Bộ; bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội; tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến chi viện hỏa lực đường không cho các lực lượng quân binh chủng khi có lệnh; tổ chức huấn luyện bay chuyển loại cho học viên phi công trực thăng của Trường Sĩ quân Không quân.

Căn cứ vào chức năng cơ bản và khả năng hiện nay, Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 có thể thực hiện được các nhiệm vụ: Tác chiến săn ngầm; vận tải quân sự; trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước; tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền và cứu hộ, cứu nạnphòng chống bão lụt.[4]